Trong những năm gần đây, tư duy thiết kế tập trung vào người dùng (user-focused design thinking) đã trở thành một nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của nhiều ngành liên quan đến thiết kế. Nếu như mục tiêu của thiết kế đồ hoạ là truyền tải thông điệp một cách hiệu quả thông qua hình ảnh, thiết kế UX tạo ra trải nghiệm thân thiện và trực quan cho người dùng thì thiết kế nội dung là một khái niệm rộng lớn hơn khi phải đảm bảo các yếu tố từ nội dung, hình ảnh đến cách tiếp cận nhằm tạo ra trải nghiệm toàn diện cho người tiêu dùng.
Cũng chính vì thế, vai trò của content designer – nhà thiết kế nội dung ngày càng trở nên quan trọng và được đánh giá là một xu thế trong marketing hiện đại. Vậy Content Designer là gì? Họ đóng vai trò như thế nào đối với sự thành – bại của một chiến dịch truyền thông? Đâu là những kỹ năng cần có của một Content Designer? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây
Content Designer – Họ là ai?
Thiết kế nội dung là quá trình sáng tạo và tổ chức nội dung để truyền đạt một thông điệp cụ thể đến đối tượng mục tiêu một cách hiệu quả. Thoạt nhìn, định nghĩa này có vẻ giống với trách nhiệm của người sáng tạo nội dung (content creator) và marketer. Tuy nhiên, vai trò của một Content Designer lại nằm ở phần lên kế hoạch, tổ chức và trình bày nội dung để truyền đạt một thông điệp một cách hiệu quả.
Không chỉ dừng lại ở việc định hướng cách lựa chọn ngôn ngữ, giọng điệu và sắc thái viết, công việc của một Content Designer đòi hỏi ở mức độ cao hơn khi sử dụng hệ thống phân cấp trong cấu trúc nội dung và tạo ra các yếu tố trực quan hấp dẫn như hình ảnh và infographic để làm tăng giá trị nội dung. Nhờ đó, thương hiệu dễ dàng truyền tải thông tin một cách rõ ràng, dễ hiểu nhưng vẫn thú vị và hấp dẫn đến cho người dùng.
Vai trò và trách nhiệm của nhà thiết kế nội dung
Content Designer là một khái niệm mới, do đó, vai trò của một nhà thiết kế nội dung có thể được xác định theo các cách khác nhau. Sau đây là một số vai trò phổ biến của một Content Designer:
– Nghiên cứu người dùng: Nghiên cứu nhu cầu và mục tiêu của đối tượng mục tiêu để hỗ trợ cho quá trình sản xuất nội dung, giải quyết các vấn đề của người dùng và cung cấp giá trị thương hiệu.
– Xây dựng thông điệp thương hiệu: Đảm bảo nội dung tuân thủ ngôn ngữ và giọng điệu phù hợp dựa trên nghiên cứu người dùng và tiếng nói của thương hiệu.
– Kiến trúc & phân cấp thông tin: Sắp xếp nội dung hợp lý và trực quan, sử dụng tiêu đề chính, tiêu đề phụ và các kỹ thuật định dạng khác giúp định hướng cho người đọc, giúp họ tiếp cận thông tin một cách hiệu quả nhất.
– Thiết kế đồ họa: Sử dụng các yếu tố trực quan, chẳng hạn như hình ảnh, minh họa và infographic để truyền đạt thông tin, cung cấp định hướng và làm cho nội dung hấp dẫn hơn, đồng thời tuân thủ hướng dẫn về phong cách thương hiệu.
– Đảm bảo nội dung rõ ràng cả về chất lượng văn bản lẫn thiết kế và cách trình bày của bài viết.
Bên cạnh đó, Content Designer cũng có thể chịu trách nhiệm duy trì và cập nhật nội dung hiện có để giữ cho nội dung phù hợp và chính xác. Trong một số trường hợp, nhà thiết kế nội dung cũng tham gia vào việc tạo chiến lược nội dung, lập kế hoạch định hướng và xác định mục tiêu tổng thể cho dự án nội dung.
Kỹ năng cần thiết của Content Designer
Content Designer thường phải đáp ứng các yêu cầu về các kỹ năng khác nhau, cả trong và ngoài lĩnh vực thiết kế. Vì đây là một lĩnh vực mới nổi nên các kỹ năng cần thiết có thể khác nhau giữa các nhóm và công ty. Nhìn chung, nhà thiết kế nội dung là những người giải quyết vấn đề sáng tạo nhằm đặt trải nghiệm người dùng lên hàng đầu.
Hiểu biết về các nguyên tắc thiết kế UX
Việc tiêu thụ nội dung được xem là một trải nghiệm người dùng. Cách tổ chức, trình bày và sử dụng nội dung đó nằm ngay trong lĩnh vực thiết kế UX. Trên thực tế, nhiều kỹ năng thiết kế UX đã được áp dụng trực tiếp vào thiết kế nội dung, bao gồm tạo khung sườn website (wireframes), tạo mẫu (prototyping) và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng mục tiêu thông qua việc nghiên cứu và lập bản đồ hành trình của người dùng.
Giống như các nhà thiết kế UX tập trung vào việc khám phá và đáp ứng nhu cầu, mong muốn và kỳ vọng của khách hàng, các Content Designer cũng thực hiện những mục tiêu tương tự bằng cách kết hợp với các marketer, nhà chiến lược nội dung và nhà sáng tạo để đảm bảo nội dung tập trung vào người dùng. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về khán giả và khả năng tạo ra nội dung thể hiện sự thấu hiểu đối tượng mục tiêu.
Viết, chỉnh sửa và xuất bản
Nhờ sự hợp tác chặt chẽ với những người sáng tạo nội dung, các Content Designer cần có kỹ năng viết tốt. Ngay cả đối với các bộ phận có nhân sự chuyên môn cho việc viết nội dung, việc hiểu rõ về quy trình, cách chỉnh sửa và xuất bản là điều cần thiết để đảm bảo thông điệp đáp ứng các mục tiêu kinh doanh và phục vụ người dùng.
Các nhà thiết kế nội dung phải có khả năng lên ý tưởng chủ đề, nghiên cứu và lên chiến lược nội dung. Mặc dù những trách nhiệm này thường thuộc lĩnh vực marketing, nhưng nếu nội dung không tiếp cận được khán giả, nó sẽ dẫn đến trải nghiệm người dùng kém. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế nội dung cũng được khuyến khích rèn luyện kỹ năng tự sản xuất nội dung để hỗ trợ cho công việc.
Thiết kế trực quan
Lý thuyết màu sắc, kiểu chữ, bố cục và thậm chí cả hình minh họa vốn quen thuộc trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ thực chất đều được ứng dụng trong thiết kế nội dung. Tuy nhiên, sự khác biệt trong thiết kế nội dung nằm ở chỗ nó thiên về khả năng đọc các nội dung dưới dạng long-form. Do đó, các nhà thiết kế cần biết cách tổ chức nội dung bằng văn bản một cách logic và trực quan, sử dụng kiến trúc thông tin để hướng dẫn người đọc.
Cộng tác
Các nhà thiết kế nội dung sẽ chẳng là gì nếu không có sự kết hợp với các bộ phận khác hỗ trợ cho quá trình đưa ra ý tưởng và thực thi kế hoạch nội dung. Làm việc trong vòng tròn sản xuất nội dung cũng bao gồm việc tuân thủ lịch trình xuất bản. Để quá trình thiết kế nội dung diễn ra suôn sẻ, giao tiếp cởi mở và tự do giữa các thành viên trong nhóm là điều cần thiết.
Làm thế nào để trở thành một nhà thiết kế nội dung?
Thiết kế nội dung là một công việc tương đối mới, thế nhưng, tiềm năng phát triển trong cơ hội nghề nghiệp của lĩnh vực này lại vô cùng lớn khi nhiều doanh nghiệp đang dần nhận ra tầm quan trọng của tư duy thiết kế tập trung vào người dùng. Chẳng hạn, tại Anh, Content Designer chiếm vị trí thứ 9 trong danh sách những công việc có nhu cầu cao nhất của Linkedin trong năm 2022. Để trở thành một nhà thiết kế nội dung, nhân sự có thể cân nhắc các yếu tố sau đây:
Phát triển các kỹ năng cần thiết
Bước đầu tiên để trở thành một Content Designer là phát triển các kỹ năng của bạn về tư duy thiết kế, nguyên tắc UX, viết quảng cáo và thiết kế hình ảnh. Nhiều nhà thiết kế nội dung đến từ các lĩnh vực truyền thông, chẳng hạn như báo chí, marketing và quảng cáo. Bằng cấp trong bất kỳ lĩnh vực nào trong số đó đều cung cấp nền tảng vững chắc về viết và nghiên cứu – vốn là những yếu tố cần thiết cho việc thiết kế nội dung.
Xây dựng portfolio thiết kế nội dung
Ngoài kỹ năng, chứng chỉ khóa học và bằng cấp, Content Designer vẫn là một nhà thiết kế. Điều đó có nghĩa là công cụ nghề nghiệp hiệu quả nhất của họ là portfolio. Giống như portfolio viết UX, portfolio của một nhà thiết kế nội dung là sự kết hợp giữa công việc viết quảng cáo và thiết kế để cho các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy khả năng của nhân sự. Mặc dù chất lượng là một yếu tố quan trọng, nhưng việc minh họa quá trình suy nghĩ của nhân sự cũng quan trọng không kém. Portfolio của một nhà thiết kế nội dung phải đặc biệt mạnh mẽ, vì bản thân nó đã là một dự án thiết kế nội dung.
Trải nghiệm công việc thực tế
Việc trải nghiệm công việc thực tế không chỉ giới hạn ở quá trình thực tập tại doanh nghiệp mà đó còn có thể là những dự án cá nhân hoặc hợp tác với những tổ chức phi lợi nhuận. Nếu từng làm quen với việc xuất bản bài viết, hãy thể hiện khả năng thiết kế của mình trong việc thể hiện nội dung, đưa nó vào portfolio và không ngừng nâng cao kỹ năng của mình để trở thành một Content Designer chuyên nghiệp.
Theo Dribble